Sẽ phân loại doanh nghiệp gỗ

Để tuân thủ Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), gọi tắt là Hiệp định VPA/FLEGT vừa được Việt Nam và Liên minh châu Âu ký tắt hôm 11-5, Việt Nam sẽ thực hiện phân loại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác, nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu gỗ thành hai nhóm. Việc xếp loại tốt sẽ là một trong những lợi thế để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu.


Hệ thống VNTLAS được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành gỗ. Trong ảnh: một góc hội chợ đồ gỗ được tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp tại Hội thảo “Hệ thống giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp Hawa DDS” do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM tổ chức hôm nay, 24-5 cho biết, doanh nghiệp sẽ được phân loại thành hai nhóm: nhóm tuân thủ (loại 1) và nhóm không tuân thủ (loại 2) theo tiêu chí do Chính phủ quy định. Mục đích của việc phân loại là nhằm đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp theo hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS).

Cũng theo bà Vân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng bộ tiêu chí phân loại doanh nghiệp, trình Chính phủ ban hành nghị định. Điểm đặc biệt lưu ý ở đây là để được phân loại vào loại 1, doanh nghiệp không chỉ tuân thủ các quy định pháp luật về gỗ mà còn hàng loạt quy định khác như thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động…

Và khi đã được xếp loại 1, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi thế trong các công tác khác như xác minh xuất khẩu hay cấp phép FLEGT.

Việc phân loại doanh nghiệp là một trong bốn việc mà Việt Nam cam kết thực hiện theo Hiệp định VPA/FLEGT. Ba việc còn lại gồm quản lý gỗ nhập khẩu; xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT.

Trong đó, việc quản lý gỗ nhập khẩu nghĩa là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ nhập khẩu thông qua bản kê khai. Nếu gỗ đến từ vùng địa lý rủi ro hoặc thuộc loài rủi ro cao thì nhà nhập khẩu phài bổ sung bằng chứng như các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững, giấy phép khai thác…Danh mục các vùng địa lý rủi ro và các loài rủi ro cao cũng sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể.

Việc xác minh xuất khẩu là đánh giá các lô hàng xuất khẩu trong việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống VNTLAS. Mức độ xác minh xuất khẩu sẽ dựa vào kết quả phân loại doanh nghiệp. Doanh nghiệp loại 1 thì không phải xác minh bổ sung, còn doanh nghiệp loại 2 thì sẽ được kiểm tra hồ sơ và thực tế tất cả các lô hàng.

Việc cấp phép FLEGT là doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang thị trường châu Âu thì sẽ phải làm đơn và nộp hồ sơ để cơ quan chức năng cấp phép FLEGT cho từng lô hàng trước khi làm thủ tục thông quan xuất khẩu. Nếu đã được xếp loại 1, doanh nghiệp sẽ được cấp phép FLEGT ngay trong khi doanh nghiệp loại 2 thì phải làm thủ tục xác minh xuất khẩu rồi mới đề nghị cấp phép.

Việc xây dựng và áp dụng hệ thống VNTLAS trong đó có cơ chế cấp phép FLEGT là điểm quan trọng nhất của Hiệp định VPA/FLEGT và được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào châu Âu thuận lợi hơn. Đây được coi là “giấy thông hành” giúp hàng được thông quan ngay khi đến cửa khẩu và nhà xuất khẩu không phải thực hiện thêm trách nhiệm giải trình về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp nào.

Không chỉ vậy, theo bà Vân, việc doanh nghiệp tuân thủ hệ thống VNTLAS không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu vào thị trường châu Âu mà là tất cả thị trường, kể cả nội địa vì đây là hệ thống quốc gia.

Bà Vân cũng chia sẻ, việc áp dụng hệ thống VNTLAS sẽ có lộ trình 1 đến 2 năm để doanh nghiệp hoàn thiện dần. Và công cụ này sẽ sàng lọc doanh nghiệp, loại bỏ những đơn vị làm ăn phi pháp, sử dụng gỗ bất hợp pháp.

Minh Tâm – thesaigontimes.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *