Doanh nghiệp ngành gỗ ngập đơn hàng

TTO – Hội nhập, cạnh tranh tốt đang đem về nhiều đơn hàng cho ngành gỗ. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng dịch chuyển sang VN. Có doanh nghiệp dự tính doanh số tăng gấp đôi 2016.

Theo Hiệp hội Chế biến gỗ và mỹ nghệ TP.HCM (HAWA), ngành chế biến gỗ VN đang có lợi thế khi hội nhập, được thế giới đánh giá cao. Nhiều doanh nghiệp ngành này đang không ngừng đầu tư mở rộng nhà xưởng để đón cơ hội.

Sản xuất đồ nội thất xuất khẩu sang Mỹ – Ảnh: T.V.N.

Mở rộng sản xuất…

Những ngày này, xưởng sản xuất gỗ của bà Nguyễn Thị Vân, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vân Nguyễn ở Bình Dương, hoạt động nhộn nhịp, công nhân được khuyến khích làm tăng ca. Bà Vân vui vẻ nói xưởng đang gia công hàng gỗ nội thất để xuất đi thị trường châu Âu và Anh.

Sau một năm khó khăn vì đơn hàng giảm sút, những tháng đầu năm 2017 tình hình đã sáng sủa hơn. “Chúng tôi nhận được đơn hàng nhiều trở lại, giá tốt” – bà Vân nói.

Tương tự, Công ty Scansia Pacific – doanh nghiệp liên kết giữa Anh và Na Uy chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu, có trụ sở chính đặt tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM) – cũng bước vào năm 2017 với kế hoạch đầu tư mở rộng dãy xưởng thứ 2, vốn bị đình lại từ nhiều năm qua do sụt giảm đơn hàng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, tổng giám đốc Scansia Pacific, nhận định sau nhiều năm u ám, bức tranh xuất khẩu gỗ 2017 đã hoàn toàn khác, ngay từ tháng 2-2017 đơn hàng cho cả năm của Scansia Pacific đã đủ công suất, doanh nghiệp phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị, đồng thời tuyển thêm nhân công mới có thể đáp ứng nhu cầu mới.

Phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ VN ở Bình Dương, Đồng Nai đều đang hoạt động hết công suất. Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch HAWA, cho biết khoảng một năm gần đây những đơn hàng gỗ lớn đều được gom về VN, ngay cả nhiều nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc cũng dịch chuyển sang VN vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc tăng cao trong khi nhân công VN dồi dào, có kỹ năng.

Điều này dẫn đến nhu cầu đầu tư máy móc của các doanh nghiệp VN tăng mạnh, ít nhất gấp đôi so với trước. Các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng tăng 50% doanh số cho năm 2017.

“Khách hàng các nước đều đang dồn sự chú ý vào VN, vì họ xác định VN là quốc gia sản xuất đồ gỗ chứ không phải làm dịch vụ như Singapore, Philippines… chỉ chuyên nhận đơn hàng rồi đặt các nước khác. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng ngành sẽ đạt hơn 20%” – ông Hạnh nói.

… nhưng thiếu lao động tay nghề cao

Thời gian tới, nhu cầu sản phẩm gỗ ở từng thị trường có thể tăng giảm khác nhau, nhưng doanh số xuất khẩu gỗ ở VN ít sụt giảm vì hầu như các thị trường đều rộng cửa chào đón, nhất là thị trường Mỹ.

Ông Lê Xuân Bắc, chủ tịch Thịnh Việt Furniture, cho biết nhờ đầu tư thiết kế, trang thiết bị và tìm kiếm thị trường mới nên doanh nghiệp này đầu tư mở rộng nhà máy thứ hai và tuyển thêm 300 công nhân cho mùa sản xuất mới. Tuy nhiên, ông Bắc cho biết lại vấp phải một khó khăn mới là… chưa tuyển được người.

Bà Nguyễn Thị Vân cũng cho biết tuyển mới nhân công cho ngành gỗ, mỹ nghệ không hề dễ. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, mỹ nghệ đang chung nỗi lo khi nguồn nhân lực đáp ứng chưa tương xứng đang cản trở quá trình mở rộng sản xuất của không ít doanh nghiệp. Trong khi đó, nhân lực có kỹ năng phần lớn lại đang muốn đi xuất khẩu lao động.

Theo ông Điền Quang Hiệp – giám đốc Công ty Mifaco, xây dựng được tiêu chuẩn sản xuất, đảm bảo năng suất lao động vẫn là thách thức với nhiều doanh nghiệp VN. Đặc biệt, dù đang thuận lợi nhưng hiện số doanh nghiệp gỗ của VN đạt quy mô lớn vẫn khá ít.

Theo các chuyên gia, nếu có chính sách hỗ trợ bài bản về nhân lực, thuận lợi hơn cho xuất nhập khẩu, ngành gỗ có thể phát triển mạnh hơn.

“Hiện phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ VN có quy mô nhỏ cả về số lượng lao động lẫn vốn đầu tư. Số lượng doanh nghiệp gỗ VN có lao động trên 1.000 người hay doanh số trên 500 tỉ đồng khá ít, chỉ khoảng 2,5%” – ông Hiệp nói.

Doanh nghiệp gỗ VN đang mạnh lên

Ông Chan Jik Chun, giám đốc hội đồng xuất khẩu gỗ Mỹ phụ trách thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc, đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp gỗ VN đang mạnh hơn, họ cũng sẵn lòng chi tiền để sở hữu công nghệ, giải phóng khỏi việc lệ thuộc vào yếu tố con người.

Cho rằng công nghệ, máy móc các doanh nghiệp VN đang dùng là ngang bằng với các quốc gia có thế mạnh về chế biến gỗ; khâu chăm sóc khách hàng, thời gian giao hàng đã được chú trọng hơn, ông Chan Jik Chun đánh giá mục tiêu tăng trưởng 20-25% cho năm 2017 mà các doanh nghiệp gỗ VN đặt ra hiện nay là trong tầm tay.

Thuê thiết kế 
nước ngoài

Theo ông Điền Quang Hiệp, điểm yếu nhất của doanh nghiệp chế biến gỗ VN là thiết kế mẫu mã, việc đầu tư vào đội ngũ thiết kế chưa được quan tâm. Phần lớn các mẫu thiết kế hiện nay đều do khách hàng đưa đến. Một số doanh nghiệp cũng nhận thức được điều này và bắt đầu thuê nhân sự thiết kế người nước ngoài.

NHƯ BÌNH – TuoiTre.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline Facebook Zalo youtube