Giỗ tổ nghề Gỗ – Một nét đẹp văn hóa truyền thống

Rất nhiều ngành nghề từ xa xưa đều có ngày giỗ Tổ để tưởng nhớ đến người sáng lập nghề và truyền bá rộng rãi trong xã hội.

Một hình thức văn hóa thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Trong các ngành nghề ở nước ta, thú vị nhất có thể nói là ngành xây dựng (bao gồm các nghề: thợ xây, thợ mộc, thợ cơ khí) lại có đến 2 ngày giỗ cách nhau 6 tháng. Đó là ngày 13 tháng 6 và ngày 20 tháng Chạp Âm lịch. Đa phần cánh thợ trong nghề chỉ biết: cứ đến ngày là lo cúng, giỗ và tên ông Tổ là ông Lỗ Ban nhưng ý nghĩa và nguồn gỗ ít người hiểu rõ.Bắt đầu từ truyền thuyết.

Khung cảnh một Lễ giỗ Tổ nghề Kim hoàn

Theo truyền thuyết, vào thời Lục quốc phân tranh trong lịch sử Trung Quốc, có một người thợ mộc tài giỏi nhất nước Lỗ, tuân lệnh nhà vua bỏ ra gần 3 năm ròng rã để nghiên cứu và chế tạo một con diều bằng gỗ chở được một người, lợi dụng hướng gió mà thả bay lên trời do thám tình hình quân lính nước Tống ở biên thùy. Người này có tên là Lỗ Ban, danh tiếng vang lừng, được tôn sùng là bậc thầy của thợ mộc nước Lỗ.

Trước thời Lục quốc khoảng 500 năm, cũng tại nước Lỗ có ông Công Thư Ban, con của Lỗ Chiêu Công, chỉ huy tất cả thợ xây dựng đền đài cung điện, đã nghiên cứu và chế tạo ra hai dụng cụ để phục vụ cho xây dựng được chuẩn xác và mau chóng. Đó là “quy” tựa như chiếc compa ngày nay, và “củ” là chiếc thước bọt nước cổ xưa. Câu nói “làm theo quy củ” có thể xuất xứ từ đây!

Tương truyền, Mạnh Tử có hạ bút tán dương ca ngợi Công Thư ban như sau: “Công Thư tử chi xảo, bất dĩ quy củ, bất năng phương viên hành”, có thể tạm hiểu: “Công thư thật tinh xảo, không có thước compa và thước thủy thì không thể tạo thành mặt hình tròn và hình vuông phẳng được”. Cũng theo truyền thuyết, giới thợ lúc ấy gọi ông là Lỗ Công Thư Ban, lâu ngày chỉ gọi là Lỗ Ban và Lỗ Công Thư Ban đã nghiên cứu thiên văn, địa lý kết hợp với 8 quẻ bát quái và sáng tạo ra cây thước Lỗ Ban riêng biệt của nghề mộc (ngay cả nghề thợ hồ cũng sử dụng) để phục vụ cho việc đặt đòn mái, đo khuôn nhà, khuôn cửa. Thước có chiều dài 1 thước Tàu (khoảng 44 cm) gồm 4 cung, 16 cửa xấu, tốt. Đến thời Lỗ Ban thuở Lục quốc phân tranh, ông đem đúc kết lại kinh nghiệm, hiệu chỉnh lại thước Lỗ Ban cũng chiều như cũ, nhưng có 8 cung, 32 của tốt, xấu, may, rủi, sinh tử, ly biệt…

Cúng tổ ngày xưa

Đời này truyền sang đời khác và do hoàn cảnh lịch sử để lại, đến nay, cả Trung Quốc và Việt Nam cũng như một số nước khác ở châu á, những làng nghề xây dựng đều xem Lỗ Ban là ông Tổ nghề của mình. Cứ đến ngày 13 tháng 6 và ngày 20 tháng Chạp Âm lịch đều tổ chức ngày giỗ của ông Lỗ Ban một cách chung chung vậy thôi.

Khung cảnh một Lễ giỗ Tổ nghề Kim hoàn

Đứng về góc độ “tôn sư trọng đạo” mà nói, lễ giỗ Tổ được tất cả anh em thợ trong làng nghề tổ chức nghiêm túc và long trọng, nhất là ngày 20 tháng Chạp Âm lịch. Thuở xưa, cúng Tổ phải có lễ Tam sanh, cả làng nghề phân theo từng nhóm thợ mà đóng góp tiền bạc để lo tổ chức. Lễ Tam sanh gồm 1 con gà trống trắng, một con heo đực và một vò rượu nếp trắng. Chủ lễ là một người thợ có uy tín hoặc lớn tuổi nhất đứng ra bái lễ… Ngoài ra, các thợ mới vào nghề, đây là lễ nhập môn để ra mắt Tổ. Lễ vật cho một thợ mới là một chú gà trống choai, một trai rượu nếp trắng và một thẻ nhang thơm. Đặt lên bàn thờ Tổ khấn vái rồi ba xá, ba lạy. Chủ lễ tiếp nhận lễ và trao lại cho “tân môn đồ” một ly rượu trắng, sau đó “tân môn đồ” lễ phép nâng ly rượu mời người thợ mà mình tôn làm thầy để thọ giáo. Thầy uống cạn ly với ý nghĩa: sẽ dạy nghề cho môn đồ thật chí tình, trọn nghĩa.

Giỗ tổ ngày 13 tháng 6 thì đơn đơn giản và thường cúng tại nơi làm. Lễ vật chỉ là một bộ tam sên (một quả trứng luộc, một con tôm nướng, một miếng thịt heo quay) và một chai rượu nếp trắng. Sau đó, tất cả thợ và khách quây quần lại với nhau, cùng vui ly rượu với những mẩu chuyện vui buồn trong nghề và truyền cho nhau những kinh nghiệm, bí quyết tay nghề để học hỏi lẫn nhau.

Giỗ tổ ngày nay

Qua những năm chiến tranh, việc cúng Tổ làng nghề có bị mai một và gần như bị lãng quên. Ngày nay, song song với việc khôi phục các làng nghề ở nước ta, việc giỗ Tổ các nghề cũng được phục hồi theo đà phát triển của đất nước. Nhiều lễ cúng Tổ được tổ chức quy mô, hoành tráng, thu hút đông đảo người tham dự. Ngoài lễ cúng chính thức với đầy đủ lễ nghi còn có tổ chức vui chơi, giải trí như: hát tuồng, đấu vật, cờ tướng, đá gà… chẳng khác gì những ngày hội lớn. Nhiều nơi trên khắp đất nước ta, ngày giỗ Tổ nghề được xem như lễ hội truyền thống của dân tộc. Chẳng hạn như:

– Hội làng Thị Tứ thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định mở vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn ông Đào Giã Tượng, là Tổ nghề rèn, đã có công truyền nghề cho dân làng. Sau lễ có các sinh hoạt vui chơi, ca hát, múa lân.

– Hội làng La Xuyên ở xã Yên Ninh, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định mở vào ngày 11 tháng 3 Âm lịch để giỗ Lão La, ông Tổ nghề chạm gỗ truyền thống nổi tiếng ở Sơn Nam Hạ. Lão La từng theo giúp vua Lê Đại Hành và hy sinh ở trận mạc.

– Hội làng Bưởi ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh mở vào 3 ngày trong năm, là ngày mồng 6 tháng 2, 16 tháng 8 và 29 tháng 9 Âm lịch để giỗ ông Tổ nghề gò đồng là ông Nguyễn Công Truyền, sống vào khoảng thế kỷ X – XI, là một võ quan triều Lý, khi về hưu chế ra nghề gò đồng rồi truyền dạy dân làng.

Hội lễ đồng thời là ngày giỗ tổ nghề kim hoàn được tổ chức hàng năm tại quận 5, TP. HCM vào mồng 7 đến mồng 9 tháng 2 Âm lịch. Đây là giỗ tổ nghề kim hoàn dành riêng ở khu vực Nam Bộ. Ngoài lễ còn tổ chức biểu diễn văn nghệ. Đông đảo thợ kim hoàn các nơi về đây dâng hương lễ Tổ và trao đổi kinh nghiêm trong nghề.

Giỗ Tổ nghề thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo” để nhớ ơn các bậc tiền nhân có công truyền dạy nghề và đây cũng là dịp để khuyến khích, hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn. Chính vì vậy mà ngày giỗ Tổ các nghề là một nét văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy.
Nguồn theo Tạp chí hướng nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *